Nhiều bất lợi
Để tránh tác hại của gió rét và biến động của thời tiết, ngay từ đầu năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh bắt đầu thả tôm giống từ ngày 1.3.2015. Thực hiện đúng lịch thời vụ, tránh được thời tiết gió rét, thì người nuôi tôm lại đối diện với sự “ổn định” đáng sợ của tình trạng khô hạn. Từ tháng 3, qua tháng 4 rồi đến tháng 5.2015, hạn hán khiến mặn xâm nhập sâu vào ao nuôi, cộng với nhiệt độ tăng cao trong ngày đã khiến cho tôm nuôi sinh trưởng trong điều kiện hết sức khắt khe. Cùng với đó, mưa dông trên diện rộng tiếp nối làm cho môi trường nước càng bị xáo trộn, gây sốc làm tôm nuôi yếu, ăn kém hoặc bỏ ăn. Sức đề kháng yếu đã tạo thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, tấn công khiến cho hiện tượng tôm bị chết xuất hiện ở nhiều ao nuôi.
Thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho thấy, toàn tỉnh có hơn 177ha diện tích có tôm nuôi bị chết, trong đó 6,42ha diện tích có tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, 0,6ha do nhiễm vi rút đốm trắng. “Thời tiết nắng nóng liên tục xuất hiện, đặc biệt trong các tháng 5, 6, 7 khiến các bệnh hoại tử gan tụy, phân trắng xảy ra tiếp nối, làm cho công tác quản lý cũng như chăm sóc của người dân bị động” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam nói.
Bên cạnh đó, nuôi tôm nước lợ năm 2015 tiếp tục gặp khó khi hạ tầng các vùng nuôi ở 6 địa phương ven biển chưa được đầu tư. Kênh cấp, kênh thoát nước không có, thủy lợi chưa được kiện toàn, công trình ao nuôi còn sơ sài là những điều rất dễ bắt gặp ở nuôi tôm vùng triều và một số diện tích nuôi tôm trên cát; trong khi đó, nước sông ngày càng bị nhiễm bẩn. Đối với các khu vực nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông, việc chuyển đổi từ tôm thẻ chân trắng sang đối tượng nuôi khác như cá dìa, cá chẻm, hay rong mơ chưa được nhân rộng. Cái khó lớn nhất là thị trường tiêu thụ chưa thật sự ổn định đã khiến cho nhiều hộ nuôi thủy sản... chùn bước. Đánh giá của các địa phương ven biển cũng cho thấy, việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thủy sản vẫn chưa được triển khai đều khắp. Giá nguyên liệu đầu vào gồm thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, chất xử lý môi trường trong nuôi tôm nước lợ tăng cao trong năm 2015 cũng đã khiến cho chi phí sản xuất tăng mạnh. Do thua lỗ, hàng trăm diện tích nuôi tôm đã bị bỏ hoang trong năm 2015, có cả những đồng tôm phì nhiêu một thời như Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình), Hóc Rộ (Cẩm Thanh, TP.Hội An), Tam Thanh, Tam Phú (TP.Tam Kỳ)...
Kỳ vọng chặng đường mới
Năm 2015, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh đã tham mưu Sở NN&PTNT tăng cường công tác kiểm tra môi trường nước lợ và bệnh trên tôm nuôi, định kỳ 2 lần/tháng. Ngay sau khi có kết quả, thông báo tới các địa phương ven biển để hướng dẫn người nuôi xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp. Khi kiểm tra, phát hiện dấu hiệu bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan, ngành thủy sản khuyến cáo người nuôi tập trung triển khai các giải pháp phòng trị phù hợp, giảm thiệt hại, từng bước ổn định sản xuất. Đáng chú ý nhất là ngành chức năng đã khuyến cáo người nuôi tạm ngưng thả tôm giống trong các tháng 4, 5 để hạn chế bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đốm trắng trên tôm. “Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành thủy sản cũng đã hỗ trợ vốn xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ theo hướng VietGAP. Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, người nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã nỗ lực ổn định sản xuất và thu được một số kết quả đáng ghi nhận, nhất là nuôi tôm bằng hình thức lót bạt” - bà Tâm nói.
Theo ghi nhận, từ đầu tháng 8 đến nay, giá tôm thương phẩm đã tăng hơn so với các tháng đầu năm nên nhiều diện tích nuôi tôm đã được cải tạo, mở rộng thêm để chủ động sản xuất, nhất là những ao nuôi tôm trên cát ven biển và các ao nuôi lót bạt ở vùng triều. Một số hộ nuôi đã bán tôm thương phẩm vào dịp này. Như hộ ông Nguyễn Đoàn (thôn Phước An 1, xã Bình Hải, Thăng Bình) thu lãi ròng được 500 triệu đồng sau khi bán tôm thương phẩm nuôi trên 5 sào diện tích. Nhiều hộ khác cho rằng giá sẽ càng tăng mạnh vào cuối năm âm lịch nên còn trữ tôm để bán vào dịp tết nguyên đán sắp tới. Nhiều nông hộ kỳ vọng, thu được hiệu quả kinh tế lớn sẽ đầu tư hệ thống ao chứa lắng, ao xử lý nước thải, kiện toàn thêm các yếu tố hạ tầng để sản xuất mạnh mẽ và an toàn hơn trong năm 2016.
Từ thực tiễn nuôi tôm nước lợ năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem lại khâu tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, phá vỡ thế manh mún, nhỏ lẻ. Cùng với đó là nỗ lực tạo liên kết chuỗi giá trị làm khâu đột phá quan trọng thông qua khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia phối hợp sản xuất cùng nông hộ. Theo Sở NN&PTNT, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực sẽ tạo cơ hội và cũng là thách thức trong sản xuất nông nghiệp của Quảng Nam, trong đó lĩnh vực nuôi tôm nước lợ - một mặt hàng xuất khẩu lớn. Vì thế, cần tuyên truyền sâu rộng để người nuôi được rõ, cố gắng đầu tư sản xuất căn cơ, xóa bỏ cách làm ăn tự phát vốn tồn tại lâu nay.
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn Quảng Nam trong năm 2015 khoảng 8.100ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 2.300ha. Sản lượng nuôi thủy sản năm 2015 đạt 20.180 tấn, trong đó nuôi tôm nước lợ khoảng 11.000 tấ